Tóm tắt lý thuyết
1.1. Kiến thức cần nhớ
– Cho hai hình tam giác bằng nhau (xem hình vẽ)
– Lấy một hình tam giác đó, cắt theo đường cao để thành hai mảnh tam giác 1 và 2.
– Ghép hai mảnh 1 và 2 vào hình tam giác còn lại để được hình chữ nhật ABCD (xem hình vẽ).
Dựa vào hình vẽ, ta có:
Hình chữ nhật ABCD có chiều dài bằng độ dài đáy DC của hình tam giác EDC, có chiều rộng bằng chiều cao EH của hình tam giác EDC
Diện tích hình chữ nhật ABCD gấp 2 lần diện tích tam giác EDC.
Diện tích hình chữ nhật ABCD là DC x AD = DC x EH.
Vậy diện tích hình tam giác EDC là \(S = \frac{{DC.EH}}{2}\)
Muốn tính diện tích hình tam giác ta lấy độ dài đáy nhân với chiều cao (cùng một đơn vị đo) rồi chia cho 2.
\(S = \frac{{a*h}}{2}\)
S là diện tích, a là độ dài đáy, h là chiều cao
1.2. Giải bài tập SGK trang 88
Bài 1 SGK trang 88:
Tính diện tích hình tam giác có:
a) Độ dài đáy là 8cm và chiều cao là 6cm.
b) Độ dài đáy là 2,3 dm và chiều cao là 1,2 dm.
Hướng dẫn giải:
a) Diện tích hình tam giác là:
\(\frac{{8 \times 6}}{2} = 24(c{m^2})\)
b) Diện tích hình tam giác là:
\(\frac{{2,3 \times 1,2}}{2} = 1,38\:(d{m^2})\)
Bài 2 SGK trang 88:
Tính diện tích hình tam giác có:
a) Độ dài đáy là 5m và chiều cao là 24 dm
b) Độ dài đáy là 42,5m và chiều cao là 5,2m.
Hướng dẫn giải:
a, Đổi 5m = 50dm
Diện tích tam giác đó là:
\(\frac{{50 \times 24}}{2} = 600(d{m^2})\)
b, Diện tích tam giác đó là:
\(\frac{{42,5 \times 5,2}}{2} = 110,5({m^2})\)