1. Tóm tắt lý thuyết
Tính và so sánh giá trị của hai biểu thức :
3 × (7−5) và 3 × 7−3 × 5
Ta có :
3 × (7−5) = 3 × 2 = 6
3 × 7−3 × 5 = 21−15 = 6
Vậy: 3 × (7−5) = 3 × 7−3 × 5.
Khi nhân một số với một hiệu, ta có thể lần lượt nhân số đó với một số bị trừ và số trừ, rồi trừ hai kết quả cho nhau.
a × (b−c) = a × b−a × c
2. Bài tập minh họa
Câu 1: Tính
a) 536 x (20 – 4) ; 276 x (60 – 8)
b) 235 x 25 – 235 x 5 ; 623 x 14 – 623 x 4.
Hướng dẫn giải
a) 536 x (20 – 4) = 536 x 20 – 536 x 4 = 10720 – 2144 = 8576
276 x (60 – 8) = 276 x 60 – 276 x 8 = 16560 – 2208 = 14352
b) 235 x 25 – 235 x 5 = 235 x (25 – 5) = 235 x 20 = 4700
623 x 14 – 623 x 4 = 623 x (14 – 4) = 623 x 10 = 6230.
Câu 2: Khối lớp Bốn có 340 học sinh. Khối lớp Ba có 280 học sinh. Mỗi học sinh mua 9 quyển vở. Hỏi khối lớp Bốn mua nhiều hơn khối lớp Ba bao nhiêu quyển vở? (giải bằng hai cách)
Hướng dẫn giải
Tóm tắt
Cách 1:
Bài giải
Số quyển vở khối lớp Bốn mua là:
340 × 9 = 3060 (quyển vở)
Số quyển vở khối lớp Ba mua là:
280 × 9 = 2520 (quyển vở)
Số quyển vở khối lớp Bốn mua nhiều hơn khối lớp Ba là:
3060 – 2520 = 540 (quyển vở)
Đáp số: 540 quyển vở
Cách 2:
Bài giải
Số học sinh khối lớp Bốn nhiều hơn khối lớp Ba là:
340 – 280 = 60 (học sinh)
Số quyển vở khối lớp Bốn mua nhiều hơn khối lớp Ba là:
9 × 60 = 540 (quyển vở)
Đáp số: 540 quyển vở
3. Kết luận
Qua bài học này, các em cần nắm được những nội dung sau:
- Biết thực hiện phép nhân một số một số với một hiệu, nhân một hiệu với một số.
- Vận dụng để tính nhanh, tính nhẩm.